Nội chiến hai đô Nguyên Văn Tông

Cái chết của Thái Định đế ở Thượng Đô năm 1328 giúp cho hậu duệ của Vũ Tông có cơ hội nổi dậy, tuy nhiên tất cả đều nhờ mưu trí của quyền thần Yên Thiếp Mộc Nhi. Yên Thiếp Mộc Nhi thực hiện chiến lược lật đổ chính quyền Thượng Đô tại kinh đô Khanbaliq (Đại Đô, thuộc Bắc Kinh ngày nay). Ông và các tướng sĩ hưởng lợi thế kinh tế-địa lý to lớn so với phe của Thái Định đế. Đồ Thiếp Mộc Nhi được Yên Thiếp Mộc Nhi ưu tiên triệu hồi về Khanbaliq vì Hòa Thế Lạt đang ở vùng Trung Á xa xôi. Ông trở thành hoàng đế nhà Nguyên ở Khanbaliq vào tháng 9, khi đó con trai Thái Định đế là A Tốc Cát Bát được Thừa tướng Đảo Thích Sa (Dawlat Shah) ủng lập kế vị ở Thượng Đô, trở thành Nguyên Thiên Thuận Đế.

Lực lượng của Thiên Thuận Đế tiến đánh Đại Đô để tiêu diệt thế lực đang trỗi dậy của Đồ Thiếp Mộc Nhi, đi qua Vạn Lý Trường Thành vài dặm, chuẩn bị đến ngoại ô của Khanbaliq. Yên Thiếp Mộc Nhi nhanh chóng biến khó khăn thành lợi thế, bố trí quân mai phục ở Mãn Châu (Liêu Đông) và miền đông Mông Cổ, phát động cuộc tấn công bất ngờ vào quân Thượng Đô. Dưới sự chỉ huy của Bukha Temur và Orlug Temur - hậu duệ của anh em Thành Cát Tư Hãn, quân Đại Đô nhanh chóng bao vây Thượng Đô vào 14 tháng 11, khi đó phe Thiên Thuận Đế vẫn còn đang mắc kẹt ở Vạn Lý Trường Thành[4], buộc họ phải đầu hàng vào ngày hôm sau. Đảo Thích Sa và phe cánh của ông ta bị bắt giam và xử tử, còn vua Thiên Thuận Đế đã mất tích không để lại dấu vết[5].